Tiểu Sử & Câu nói hay Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ Tịch Tập Đoàn Trung Nguyên

Tiểu sử Đặng Lê Nguyên Vũ

Từ sau khi vụ ly hôn nghìn tỷ tạm khép lại, cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng trước đó, ít ai biết đến con đường chinh phục giấc mơ cà phê Trung Nguyên của ông như thế nào. Liệu cà phê Trung Nguyên có phải là tất cả để nhớ về con người vĩ đại này? Hãy cùng trungthanh.net tìm hiểu tiểu sử của Đặng Lê Nguyên Vũ trong bài viết dưới đây nhé!

Được công nhận là “ông vua cà phê Việt”, là “linh hồn” của thương hiệu cà phê Trung Nguyên, người khai sáng triết lý cà phê và nâng ý nghĩa kinh doanh lên giá trị mới. Nhưng khi đối mặt với đổ vỡ hôn nhân, ông lại khiến cho nhiều người trăn trở “Tiền nhiều để làm gì?”

Tóm tắt tiểu sử Đặng Lê Nguyên Vũ

  • Tên thật: Đặng Lê Nguyên Vũ
  • Ngày sinh: 10 tháng 2, 1971 (48 tuổi)
  • Quê quán: Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam
  • Nơi cư trú: Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Tp. Hồ Chí Minh
  • Nghề nghiệp: Doanh nhân
  • Chức vụ: Nhà sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam.
  • Danh hiệu: Vua Cà phê Việt Nam
  • Tôn giáo: đạo Phật
  • Vợ: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo (từ năm 1998 – 2019)
  • Con cái: Đặng Lê Trung Nguyên, Đặng Lê Bình Nguyên, Đặng Lê Thảo Nguyên, Đặng Lê Tây Nguyên, Đặng Lê Minh Vũ.
  • Hồ sơ Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Đặng_Lê_Nguyên_Vũ

Đặng Lê Nguyên Vũ là ai?

Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971) là một doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Ông là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, từng được National Geographic Traveller và Forbes Asia ưu ái vinh danh với cái tên “Vua cà phê Việt Nam”, ca ngợi ông là nhân vật “Zero to Hero” (từ vô danh thành anh hùng).

Theo giới doanh nhân phương Tây, tài sản cá nhân của ông có thể lên tới 100 triệu USD . Khi được Forbes vinh danh “ Vua cafe Việt “ ông cùng với chủ tịch Vinamilk Kiều Liên , là một trong số những doanh nhân Việt được Forbes ca ngợi.

Thuở còn là cậu sinh viên khoa Y, đại học Tây Nguyên, ông Vũ đã nhen nhóm niềm đam mê với cà phê. Sau cùng, ông Vũ quyết định bỏ học y để đạp xe đi thu mua từng bao cà phê, vay mượn khắp nơi để khởi nghiệp với quán cà phê bé xíu 2,8 mét vuông. Và bằng đam mê cháy bỏng với thức uống này ông Vũ đã gây dựng nên đế chế cà phê không chỉ cho riêng mình mà còn mang danh tiếng cà phê Việt ra ngoài thế giới.

Khởi nghiệp bằng con đường cà phê, ông Vũ không chỉ làm sáng thương hiệu kinh doanh của mình. Ông còn nâng tầm ý nghĩa kinh doanh, là người khai sáng triết lý cà phê Trung Nguyên hình thành đạo cà phê với Học thuyết cà phê, “cà phê triết đạo nhân sinh” thể hiện sự đóng góp của cà phê đối với nhân loại. Ông cũng là người đưa nước Việt trở thành “thánh địa cà phê” toàn cầu.

Bỏ qua những ồn ào đời tư, quá trình khởi nghiệp và cả những câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều lan toả nguồn năng lượng dồi dào đến người trẻ, khích lệ ý chí, tinh thần với những ai đang bắt đầu startup, với những người đang ấp ủ chuyện khởi nghiệp.

Sự nghiệp của Đặng Lê Nguyên Vũ

Năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, hình thành ý chí làm giàu trong ông.

Năm 1992 , nhập học khoa Y , Đại học Tây Nguyên . Vừa đi học ông vừa đi làm kiếm sống

Năm 1996 , hợp tác với 3 người bạn lập nên “Hàng cà phê Trung Nguyên ”, bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang bằng tay cũ kĩ, và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác

Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên.

Từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu được nhiều người biết đến.

Năm 2005, Hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả các đối thủ nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại Sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.

Gia đình của Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng là đôi vợ chồng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ ở bên nhau, cả hai đã không tìm được tiếng nói chung và quyết định “đường ai nấy đi”.

Gia đình Đặng Lê Nguyên Vũ

4 người con của Đăng Lê Nguyên Vũ bao gồm:

  • Đặng Lê Trung Nguyên
  • Đặng Lê Bình Nguyên
  • Đặng Lê Thảo Nguyên
  • Đặng Lê Tây Nguyên

4 người con của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang sinh sống, học tập tại Mỹ. Trước cuộc chiến ly hôn ồn ào của bố mẹ, thiếu gia lớn đã từng khuyên mẹ sớm chấm dứt để tìm bình yên. Cho đến nay, ông Vũ, bà Thảo vẫn chưa thể có tiếng nói chung để đi đến quyết định cuối cùng.

Hai ái nữ của tập đoàn Trung Nguyên

Khác với ông Vũ, bà Thảo lại khá cởi mở mỗi khi nói về con. Đặc biệt là hai ái nữ của Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Thảo không ngần ngại công khai hình ảnh trên truyền thông và trên trang cá nhân của mình. Hai con gái của ông Vũ sở hữu nhiều nét của cả bố và mẹ, vô cùng duyên dáng, đáng yêu. Bà chủ King Coffee thường xuyên đưa hai công chúa đi sự kiện cùng.

Tuổi thơ gian nan của “ông vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1979, ông Vũ cùng gia đình di cư đến sinh sống tại huyện miền núi M’drak, thuộc tỉnh Đắk Lắk. Tuổi thơ của “ông vua cà phê” gắn liền với con đường mòn 15km từ nhà đến trường, với những nương ngô, đàn lợn.

Năm 1981, gia đình ông Vũ xảy ra biến cố khi bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”. Ý chí làm giàu trong ông cũng được hình thành từ đây.

Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ lúc đó còn là một học sinh phổ thông. Hàng ngày còn phải bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch.

Tuy vậy, ông là một học sinh có thành tích nhất nhì. Năm 1990, ông thi đỗ vào trường Đại học Y Tây Nguyên. Để có tiền cho con lên thành phố ăn học, mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà.

Ngoài ra, vừa đi học, ông cũng vừa đi làm thêm kiếm sống. Trong thời gian này, Nguyên Vũ đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Và cho đến bây giờ, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh tình yêu với cà phê.

Khi đang học năm thứ ba, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định bỏ học khi chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Ông chia sẻ: “Mẹ ông đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.”

Như vậy là ông Vũ quyết định lên nhà chú ở Sài Gòn để bắt đầu lập nghiệp. Nhưng không may, ông bị ông chú ném trả về Đắk Lắk bằng chiếc vé máy bay kèm câu nói “học cho xong đi đã”.

Con đường trở thành ông vua cà phê Việt

Giấc mơ toàn cầu từ một làng quê nghèo

Bài viết được trích lại dưới đây của báo Tuổi trẻ TP HCM vào năm 2004 có lẽ đã khắc họa cơ bản nhất hình ảnh Đặng Lê Nguyên Vũ thời dựng nghiệp. Bài viết được tờ báo hàng đầu Việt Nam ghi theo lời kể của nhân vật.

Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại VN, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê VN là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Thủ tướng Phan Văn Khải thưởng thức cà phê Trung Nguyên
Thủ tướng Phan Văn Khải thưởng thức cà phê Trung Nguyên

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là… bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

“Nhà tôi không có ai hói đầu hay rụng tóc nhưng tôi thì chẳng còn bao nhiêu sợi tóc. Tôi đã phải trả giá cho những khát vọng luôn thiêu đốt mình. Mỗi sáng khi soi gương, tôi đều gặp lại sự “trả giá” của mình: có hôm tóc rụng thành nắm khi chải hay vuốt tóc...”
“Nhà tôi không có ai hói đầu hay rụng tóc nhưng tôi thì chẳng còn bao nhiêu sợi tóc. Tôi đã phải trả giá cho những khát vọng luôn thiêu đốt mình. Mỗi sáng khi soi gương, tôi đều gặp lại sự “trả giá” của mình: có hôm tóc rụng thành nắm khi chải hay vuốt tóc…”

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà. Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy… Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

Đạp tung giường chiếu hẹp

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi… không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.

Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác…

Quay về!

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học. Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản.Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Người thương kẻ ghét

Cùng nhóm bạn tại “hãng cà phê ọp ẹp nhất” năm 1996 (Nguyên Vũ đứng thứ 2 từ trái)
Cùng nhóm bạn tại “hãng cà phê ọp ẹp nhất” năm 1996 (Nguyên Vũ đứng thứ 2 từ trái)

Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.

Hãng cà phê… ọp ẹp nhất thế giới!

Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.

Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (TP Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi. Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.

Tơi tả trận đầu

Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến TP.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai. Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng… Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Tình bạn

Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.

Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí

Quán Trung Nguyên tại Tokyo
Quán Trung Nguyên tại Tokyo

Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng – quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản – bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.

Ngày 20-8-1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.

Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”. Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn…

Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại VN như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại TP.HCM hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau…

ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ

Lịch sử hình thành tập đoàn Cà Phê Trung Nguyên

Theo thông tin chính xác về nguồn gốc của thương hiệu “Cà phê Trung Nguyên”, sự thật không hề có câu chuyện “cùng nhau khởi nghiệp trong gian khó” của Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo. Trung Nguyên được sáng lập bởi ông Đặng Mơ (tức cha ruột của Đặng Lê Nguyên Vũ) từ năm 1986.

Đến năm 1996, ông Vũ chính thức trực tiếp quản lý công ty của cha. Hai năm sau đó, ông kết hôn với bà Thảo. Bấy giờ công ty chỉ mới là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 cùng với chiếc máy rang cà phê thủ công.

Lịch sử hình thành tập đoàn Cà Phê Trung Nguyên

Quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột của ông chuyên giao cà phê rang xay cho các quán khác.

Hai năm sau (năm 1998), công ty Trung Nguyên chính thức “đáp sân” Sài Gòn lần đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận). Với mục tiêu mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu. Kể từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện phổ biến trên toàn quốc.

Chỉ trong vòng 10 năm, từ một hãng cà phê nhỏ bé nằm giữa phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên đã trỗi dậy thành một tập đoàn hùng mạnh với 6 công ty thành viên : Công ty cổ phần Trung Nguyên, công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, công ty TNHH cà phê Trung Nguyên, công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7 và công ty liên doanh Vietnam Global Gateway (VGG ) với các ngành nghề chính thức bào gồm: sản xuất, chế biến, kinh doanh trà, cà phê; nhượng quyền thương hiệu và dịch vụ phân phối, bán lẻ hiện đại. Trong tương lai, tập đoàn Trung Nguyên sẽ phát triển với 10 công ty thành viên, kinh doanh nhiều ngành nghề đa dạng .

Đi tiên phong trong việc áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam , hiện nay Trung Nguyên đã có một mạng lưới gần 1000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và 8 quán ở nước ngoài như : Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Ba Lan, Ukraia. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên và cà phê hòa tan G7 đã được xuất khẩu đến 43 quốc gia trên thế giới với các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Nguyên cũng đã xây dựng một hệ thống hơn 1000 cửa hang tiện lợi và trung tâm phân phối G7Mart trên toàn quốc.

Tính đến tháng 11/2018, chuỗi cửa hàng nhượng quyền Trung Nguyên Legend Cafe có 64 cửa hàng, đứng thứ 3 Việt Nam sau The Coffee House với 133 cửa hàng và Highlands Coffee với 233 cửa hàng.

Những dấu ấn của cà phê Trung Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế

Từ Cafe hòa tan G7

Năm 2003 là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu “trỗi dậy” của trung Nguyên với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7. Mặc dù chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn nhưng Trung Nguyên đã dần dần khẳng định chỗ đứng trong thị trường cà phê Việt Nam.

Năm 2003: Cà phê hòa tan G7 Trung Nguyên đánh bại đối thủ quốc tê
Năm 2003: Cà phê hòa tan G7 Trung Nguyên đánh bại đối thủ quốc tê

Theo số liệu của Euromonitor công bố đầu năm 2015 thì cà phê hòa tan Trung Nguyên đang đứng thứ 3 (chiếm 5%) thị phần Việt Nam, sau Nescafe (38,3%) và Vinacafe (37,5%).

Kế đến, công ty cafe Trung Nguyên khánh thành nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam tại Bình Dương năm 2005. Nhà máy này do vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đứng tên. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng mâu thuẫn tranh chấp vợ chồng, ông Vũ đã quyết định sang tên lại cho mình vào ngày 21/4/2016.

Tiếp đó năm 2006, ông Vũ quyết định thành lập hệ thống cửa hàng phân phối G7 Mart một mô hình siêu thị kiểu mới, với mức đầu tư 475 tỷ VNĐ cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ. Nhưng chỉ sau 5 năm, mô hình này thất bại. Sau thất bại, năm 2011, G7 Mart chuyển hướng sang cộng tác nhượng quyền với Ministop của Nhật Bản nhưng cũng phải từ bỏ sau 4 năm.

Thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vươn ra thế giới

Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khối Asean.

Năm 2010: Xuất khẩu cà phê ra thế giới
Năm 2010: Xuất khẩu cà phê ra thế giới

Ngày 27/4/2011 là ngày cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên tờ báo Financial Times (Thời báo Tài chính) danh tiếng như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất. Trong đó có đoạn viết: “Ông Vũ khơi dậy khát vọng của người dân Việt Nam. Một tầng lớp trung lưu đang nổi lên đã chấp nhận thương hiệu này và các quán cà phê Trung Nguyên trở thành những trung tâm xã hội quan trọng”.

Tiếp theo vào tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller là “Vua Cà phê Việt”

Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).

Năm 2013: Cà phê Trung Nguyên hành trình lập chí vĩ đại. Cà phê hòa tan G7 Trung Nguyên kỷ niệm 10 năm ra đời, 3 năm dẫn đầu thị phần và được yêu thích nhất. Hành trình lập chí vĩ đại lan tỏa rộng khắp với cuộc thi Sáng tạo tương lai và ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt lần 2 thu hút 100.000 người tham gia.

Năm 2015: Cà phê của giàu có và hạnh phúc. Ra mắt mô hình Trung Nguyên Legend – Café của Giàu có và Hạnh phúc, trở thành chuỗi quán cà phê lớn nhất Đông Nam Á. Trao tặng 1,2 triệu cuốn sách đổi đời trong hành trình Lập chí vĩ đại – Khới nghiệp kiến quốc.

Năm 2016: Tập đoàn Legend toàn cầu. Công bố tổ chức hợp nhất Trung Nguyên Legend và danh xưng, Tầm nhìn xứ mạng mói. Ra mắt mô hình Trung Nguyên Family – Café năng lượng – Café đổi đời.

Năm 2017: Tiếp tục khẳng định và nâng tầm vị thế Thương Hiệu Việt ra quốc tế. Truyền cảm hứng khởi nghiệp thông qua “Hành trình Lập chí Vĩ đại – Khởi nghiệp Kiến quốc”

Nội chiến gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Nội chiến gia đình giữa Ông Vũ và Bà Thảo

Suốt cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ không ngừng phấn đấu và sống với tình yêu mãnh liệt với “đạo cà phê”, khát vọng cống hiến cho đất nước và gặt hái thành công vang dội. Tuy thương trường ông là một anh hùng “bất phục” nhưng lại là một “bại tướng” trong chính cuộc hôn nhân với người vợ đã hơn 20 năm chung sống.

Sự việc bắt đầu vào tháng 5/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vợ ông Vũ đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận kinh doanh này đã được thay đổi tên người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM, yêu cầu của bà Thảo đã được chấp thuận.

Về phía mình, ông Vũ cũng gửi đơn kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) cùng các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.

Với tình trạng này, ông yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền. Ngày 21/3/2018, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM trong phiên xét xử sơ thẩm cũng đã chấp thuận yêu cầu của ông Vũ.

Đến nay, phía vợ ông đã rút lại đơn ly hôn và nung nấu giấc mơ “quay về một nhà” với chồng. Về phía mình, ông Vũ cũng tỏ rõ quyết định: bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đã gây ra nhiều tội lỗi và phải “sám hối” mới hết tội. Chính vì vậy, ngay cả khi bà Thảo muốn rút đơn ly hôn, ông Vũ cũng không đồng ý và kiên quyết muốn cuộc hôn nhân này phải chấm dứt.

Trả lời trên tạp chí Đẹp cách đây 5 năm, ông Đặng Lê Nguyên vũ từng cho rằng: “Phẩm chất quan trọng nhất của người đàn ông là hoài bão lớn. Đàn ông, cần nhất là mạnh mẽ. Còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông thì chỉ nên là đàn ông, và phụ nữ thì chỉ nên là phụ nữ.”

Thiền định – con đường tâm linh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Vào cuối năm 2013, “ông vua cà phê” Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm người tại núi M’drăk, Đăk Lăk.

Chia sẻ với booking báo chí, khi ấy ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn.

Trong khoảng thời gian ấy, món nước mè đen là thực phẩm duy nhất để tiếp tế cho cuộc thiền hành.

Ông Vũ cho biết 5 năm qua, ông đã lĩnh hội hết đời sống nội tại, và có khả năng kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, thậm chí cho cả quốc gia và thế giới này bằng mọi giải pháp, mọi thứ.

Ông cũng khẳng định mình đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.

Sở thích và các hoạt động xã hội

Không chỉ thành công trong kinh doanh, ông Vũ còn nổi tiếng là người yêu sách. Có thể nói sách của Đặng Lê Nguyên Vũ là một khối tài sản không hề nhỏ trong đời mình.

Đối với xung quanh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn mở lòng với người trẻ, đặc biệt là sinh viên. Ông thường khuyến khích họ khởi nghiệp, sáng tạo, thay đổi bản thân, cố gắng cống hiến cho đất nước.

Cho đến nay, ông chủ cà phê Trung Nguyên “vẫn in hàng trăm nghìn cuốn sách đồng hành sinh viên học sinh, khuyến học, nung chí quốc gia khởi nghiệp.” Bên cạnh đó, ông còn xây cả bảo tàng cà phê và các công trình sáng tạo, chữa lành… ở Daklak”.

Ngoài các hoạt động trên, Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho ra đời sự kiện Ngày hội sáng tạo vì khát vọng Việt, chương trình Hành trình khát vọng Việtnhằm góp phần xây dựng cho đất nước một thế hệ thanh niên mới mang trong mình nhiều hoài bão lớn, quyết tâm lớn mở ra một kỷ nguyên hùng mạnh cho đất nước.

Gạt bỏ những ồn ào từ dư luận sau cuộc ly hôn với vợ, gần đây ông vẫn đồng hành thực hiện dự án “Hành trình từ trái tim”, dự án đã đi qua hàng chục địa phương trên cả nước, từ vùng núi cao vực sâu đến biển đảo xa xôi để trao tặng sách và hỗ trợ khởi nghiệp.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ kiếm 1.000 tỷ đô như thế nào?

Giữa năm ngoái, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tái xuất trước truyền thông trong một bài phỏng vấn được đánh giá là nhiều thông tin “bí ẩn”. Vẫn với lối xưng hô “Qua – người anh em” như cách đây nhiều năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có những chia sẻ về cà phê thức tỉnh, về dàn siêu xe 500 chiếc, việc điều hành công ty khi ngồi tại hang đá hay lớn lao hơn là kế hoạch mang 1.000 tỷ đô la về cho Việt Nam.

Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ nói: “Đối với Qua tiền bạc thiếu gì, tới đây còn nhiều nữa. Kế hoạch của Qua là phải tối thiểu lấy về 1.000 tỷ đô la cho Việt Nam. 1.000 tỷ đô la, mỗi năm!”

Khi được đặt câu hỏi nghi ngờ về con số 1.000 tỷ đô la, liệu điều này có hoang tưởng không, ông Vũ tự tin trả lời: “Thì phải có cái gì Qua mới nói vậy chứ. 1.000 tỷ đô la/210 quốc gia. Mỗi quốc gia Qua kiếm 5 tỷ đô la. Vậy 1.000 tỷ là tối thiểu rồi, có gì đâu mà khó!”.

Khoan chưa bàn đến độ lớn con số 1.000 tỷ đô khi quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành mới đạt 430 tỷ USD tính đến cuối 2023, câu hỏi đầu tiên là ông Vũ định mang tiền về cho quê hương bằng cách nào?

Với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, không thể phủ nhận Trung Nguyên Legend đã thành công trong việc xuất khẩu cà phê hoà tan thương hiệu G7 tới các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Theo con số doanh nghiệp công bố, tổng doanh số xuất khẩu của Trung Nguyên Legend trong năm 2022 là hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng). 

Mặc dù vậy, Trung Nguyên Legend có tăng trưởng xuất khẩu cà phê hòa tan và cà phê thô đến đâu thì 1.000 tỷ USD cũng là con số không tưởng. Để dễ hình dung, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,30 tỷ USD. Sang năm 2023, con số này thậm chí còn thấp hơn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước.

Kiếm tỷ USD bằng cách mở chuỗi cà phê Trung Nguyên Legend trên khắp thế giới?

Tháng 9 năm 2022, Trung Nguyên Legend bắt đầu cuộc “viễn chinh” xứ người với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải.  

Ngày 21/09/2022, trong làn gió mát mẻ, dòng người đổ dồn vào quán cà phê Trung Nguyên Legend ở trung tâm thương mại Taiguhui ở đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải. Hơn 10 nhân viên pha chế trong trang phục áo thun trắng, quần jean màu xanh đậm, bận rộn bên máy pha cà phê “, bài viết trên trang “Truyền thông khởi nghiệp” của Trung Quốc thuật lại sự kiện khai trương cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải.

 

Quán cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải
Quán cà phê Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải

Trung Nguyên Legend không ngần ngại cho biết, theo kế hoạch, thông qua hình thức hợp tác đầu tư (nhượng quyền) họ sẽ mở rộng phát triển 1.000 quán tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Đây là tham vọng không hề nhỏ của ông Vũ tại một thị trường nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng cũng vô cùng khốc liệt như Trung Quốc.

Cho đến hiện tại, Trung Nguyên Legend đã có 3 cửa hàng cà phê tại Thượng Hải và có kế hoạch phát triển gần 130 cơ sở trên khắp Trung Quốc trong năm 2024. Tính tới hiện tại Trung Nguyên Legend cần mở mới trung bình gần 13 cửa hàng mỗi tháng trong 10 tháng còn lại của năm 2024 mới có thể hoàn thành KPI về số lượng mở mới trong năm nay.

Nếu hoàn thành được kế hoạch năm 2024 và giữ nguyên tốc độ như vậy, Trung Nguyên Legend sẽ cần tới hơn 6 năm để hiện thực hóa mục tiêu 1.000 cửa hàng tại Trung Quốc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

 

Mô hình bên trong cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải.
Mô hình bên trong cửa hàng Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Thượng Hải.

Không biết chỉ là tình cờ hay chủ tịch Trung Nguyên Legend có lòng yêu mến đặc biệt với con số 1.000, từ 1.000 tỷ USD tới 1.000 cửa hàng tại Trung Quốc? Nhưng xét về độ khó, 2 mục tiêu này “kẻ tám lạng, người nửa cân”.

Tuy vậy, đằng sau những phát ngôn gây tranh cãi thì khi nhìn vào mô hình cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend tại đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải có thể thấy được hai điểm.

Thứ nhất là ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chọn những thứ tốt nhất để triển khai cửa hàng flagship này thật chuẩn mực.

Nói về vị trí, nếu Thượng Hải là hiện thân cho giấc mộng kinh tế của Trung Quốc thì đường Nam Kinh là con đường tấp nập bậc nhất của thành phố này với hơn 1 triệu lượt du khách mỗi ngày. Những thương hiệu đình đám nhất trên thế giới gần như đều góp mặt trên con đường này, bao gồm cả cửa hàng trải nghiệm lớn nhất thế giới của Starbucks. 

Mặc dù phải bỏ ra chi phí thuê không hề nhỏ, nhưng vị trí này cũng đem lại lợi ích lớn cho Trung Nguyên về mặt nhận diện thương hiệu, đồng thời khẳng định được mức độ “sang chảnh” của thương hiệu.

Nói về độ lớn và thiết kế, sắp đặt, ngoài vấn đề thẩm mỹ, quan trọng nhất là truyền tải được giá trị văn hóa, triết đạo mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ tổng kết, xây dựng khái niệm, đó là 3 nền văn minh cà phê: Ý, Ottoman – Roman và Thiền.

Ngoài ra, menu và phục vụ của cửa hàng cũng nhận được nhiều bình luận, đánh giá tốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngô Bá Châu, một doanh nhân người Việt cho biết: Hồi đầu tháng 12/2023, anh đi công tác tại Thượng Hải đã ghé qua Trung Nguyên Legend trên đường Nam Kinh và rất ấn tượng về sự bài trí, sắp xếp khoa học, phục vụ chuyên nghiệp và tổng thể cửa hàng giữ trọn vẹn được bản sắc thương hiệu.

Thứ hai, chỉ trong vòng hơn một năm, Trung Nguyên Legend đã vừa hiệu quả về kinh doanh (có lãi) lại vừa bước đầu xây dựng được thương hiệu F&B ở xứ người, thể hiện ở việc đã nhượng quyền thành công cửa hàng đầu tiên.

Cụ thể, trong một bài phỏng vấn hồi tháng 6 năm 2023, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tiết lộ  rằng quán cà phê Trung Nguyên ở Thượng Hải (quán đầu tiên ở đường Tây Nam Kinh – PV) đã “có lời rồi, dù đầu tư nhiều đấy”.

Tiếp đó, vào những ngày cuối năm 2023, Trung Nguyên Legend đã thành công khai trương cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại 107-109, Tòa nhà 14, Trung tâm Libo, Ngõ 379, Đường Nam Hong.

 

Khai trương cửa hàng Trung Nguyên Legend nhượng quyền đầu tiên tại Thượng Hải
Khai trương cửa hàng Trung Nguyên Legend nhượng quyền đầu tiên tại Thượng Hải

Ngoài 1.000 cửa hàng ở Trung Quốc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho biết, Trung Nguyên đang chuẩn bị mở ở Mỹ, Hàn Quốc, cả Dubai và các nước Đông Nam Á.

Cuối tháng 3 năm ngoái, Trung Nguyên Legend đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Tới ngày 29/9/2023, giấc mơ 1.000 tỷ USD của ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại nhón thêm được một bước nữa khi chính thức khai trương không gian quán cà phê đầu tiên tại Mỹ.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên sẽ mở thành chuỗi trên thế giới và chia sẻ hồi giữa năm ngoái: “Hiện ở Trung Quốc, Trung Nguyên đang thiết kế chương trình đào tạo, định vị tầm nhìn của mình. Cái đó đòi hỏi rất công phu. Bởi chuẩn hoá về mặt kỹ thuật thì dễ, chuẩn hoá về triết lý thì khó”.

Không gian Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Mỹ thu hút đông đảo người yêu cà phê quốc tế đến trải nghiệm
Không gian Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Mỹ thu hút đông đảo người yêu cà phê quốc tế đến trải nghiệm

Những câu nói hay đáng suy ngẫm của “ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ

  • “Tiền nhiều để làm gì?“
  • “Những gì mà STARBUCKS đang làm dở tệ, họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”
  • “Không cần phi thường, chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng làvngười sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá”.
  • “Đàn ông cần nhất là mạnh mẽ, còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông chỉ nên là đàn ông và phụ nữ chỉ nên là phụ nữ”
  • “Nếu đặt mục tiêu xoá nghèo thì cứ nghèo mãi. Còn nếu đặt mục tiêu làm giàu, thì cái nghèo tự khắc sẽ biến mất lúc nào không biết”

Những câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về kinh doanh

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân tầm cỡ, từ những gì bản thân trải qua, những triết lý kinh doanh của ông thật sự sâu sắc.

  1. Với tôi, kinh doanh không phải chuyện mua bán tầm thường, đó là sự thu phục nhân tâm.
  2. Muốn dạy người ta làm giàu thì phải thể hiện sự giàu có. Chọn siêu xe là vì thế.
  3. Trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp như là một động lực chính cho thành công lâu dài của doanh nghiệp.
  4. Nếu để định nghĩa thì tôi cho rằng, giới tinh hoa của đất nước trước nhất và trên hết phải là những nhà chính trị đích thực, những trí thức đích thực và những doanh nhân đích thực.
  5. Trong thế trận với nhiều tay súng thiện chiến, chắc chắn những doanh nghiệp có bản sắc, có tình yêu và lòng đam mê, có sản phẩm vượt trội sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chơi sòng phẳng, công bằng.

Những câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về lý tưởng, ý chí

Ở cùng một xuất phát điểm vì sao một người giàu có, một người lại không có gì? Hành động chính là yếu tố tạo nên khác biệt này. Và nguồn động lực to lớn để có thể hành động miệt mài dù cho có thất bại bao nhiêu lần chính là ở ý chí và đam mê.

  1. Nếu đặt mục tiêu xóa nghèo thì cứ nghèo mãi. Còn nếu đặt mục tiêu làm giàu thì cái nghèo tự khắc sẽ biến mất lúc nào không biết.
  2. Muốn thành công thì phải có khát vọng, muốn hạnh phúc phải phụng sự. Trách nhiệm càng cao, vinh quang càng lớn.
  3. Nếu chúng ta không ước mơ, làm sao chúng ta có thể biến giấc mơ thành hiện thực. Nếu không hành động, chúng ta đừng trông chờ đến một kết quả tốt.
  4. Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được thì nước ta làm được. Ta nhất định làm được
  5. Không dám nghĩ lớn, và nếu thấy người nghĩ lớn thì chê bai, ganh ghét. Thử hỏi, nghĩ còn không dám thì làm sao anh nói chuyện hành động?
  6. Thanh niên hiện đại khó lập chí vì họ không tin vào năng lực của mình, mà họ lại tin vào số phận. Giờ phải làm thế nào để đánh bật những tư tưởng tự ti đó ra. Cần có người thúc đẩy, thổi lửa cho họ.
  7. Dân thành phố và thế hệ thanh niên hiện tại quá yếu ớt. Mới áp lực một chút đã phải giảm stress, phải tìm kiếm sự cân bằng. Thế thì không được. Muốn phát triển, phải tự gây sức ép cho mình.
  8. Không cần phi thường, chỉ cần đồng cảm. Dĩ nhiên tôi là người nghiêm khắc, nhưng tôi cũng là người sẵn sàng tin và dám chấp nhận trả giá.

Những câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về chữ tín, chữ ơn

Có thể nói một trong những yếu tố giúp ông Đặng Lê Nguyên Vũ tạo dựng nên sự nghiệp ngày hôm nay còn bởi ông là một người trọng chữ tín, chữ ơn. Với những ai từng giúp đỡ mình thuở cơ hàn, ông Vũ luôn khắc trong tâm một chữ “cảm”. Lúc khởi nghiệp vì gặp nhiều khó khăn, từng có một gia đình thương mà cho ông Vũ mượn 200 triệu, suốt hơn 20 năm sau đó mỗi tháng ông đều gửi cho họ 25 triệu để báo cái ơn, cái tình.

  1. Niềm tin và chữ tín của mình với người khác là cái vốn lớn nhất.
  2. Khi bạn nợ tiền một ai đó, hãy hiểu sâu sắc rằng chữ nợ ấy không thể trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc.
  3. Một người cho tôi vay tiền, tôi nghĩ rằng đó là người ta mang công sức bát gạo của bản thân họ gửi gắm vào tay mình. Tuyệt nhiên không dám nghĩ, ít nhiều cũng không dám nghĩ người ta thừa tiền nên đôi ba đồng cái công cũng như cái kẹo.
  4. Người cho tôi bát cơm lúc tôi giàu sang chưa chắc đã vì tôi mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo tôi ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý tôi thật sự.
  5. Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn.
  6. Bạn im lặng, bạn có thể được bố thí hoàn toàn số tiền đó, người hào sảng sẽ không gay gắt với bạn như phường nặng lãi. Nhưng bạn sẽ vĩnh viễn mất đi một ân nhân, một người anh em tử tế, một niềm hy vọng, một chiếc phao cứu sinh trong những cơn đắm chìm về sau.
  7. Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa. Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt.
  8. Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm. Bội tín chính là sự suy sụp về mặt kinh tế, bội tín cũng chính là sự thất bại nặng nề về mặt nhân cách.

Một người thành công, không chỉ ở những vật chất mà họ tạo ra và sở hữu mà còn ở nhân cách con người, cả hai phải cân bằng và song hành với nhau thì mới vẹn toàn. Có thể thấy ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một người như thế, một doanh nhân tài năng, một người trọng nghĩa tình đáng học hoie

Picture of Đinh Trung Thành

Đinh Trung Thành

Tôi là một blogger, tôi thích viết & chia sẻ. Blog này chuyên chia sẻ kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, marketing…Hãy bình luận cảm nhận của bạn về bài viết phía bên dưới nhé. Thanks
Đăng ký
Thông báo về
guest

10 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Sơn
Sơn
7 tháng trước

“Ông Vũ cho biết 5 năm qua, ông đã lĩnh hội hết đời sống nội tại, và có khả năng kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, thậm chí cho cả quốc gia và thế giới này bằng mọi giải pháp, mọi thứ.” Tào lao ! Thùng càng rỗng kêu càng to !. Sự hoàn hảo của ông ta ? Kiến tạo cho gia đình của nhân viên ? Quốc gia, và cả thế giới ? Buồn thay ! Thế mà có khối kẻ tin …

Hiếu fan bác Vũ
Hiếu fan bác Vũ
1 năm trước

Cám ơn tác giả đã viết ”Tiểu sử Đặng Lê Nguyên Vũ” bài viết rất đầy đủ và chính thống.Qua bài viết ,tôi mới biết bác Vũ đã phải trải qua những gì để thành công như ngày hôm nay.Một ”vị” doanh nhân đáng học hỏi và noi gương.Câu nói ấn tượng của bác làm mình thay đổi ”Nếu mục tiêu là xoá nghèo thì bạn mãi nghèo,nhưng nếu mục tiêu của bạn là làm giàu,thì cái nghèo sẽ biến mất lúc nào không hay.

liem nguyen
liem nguyen
2 năm trước

kinh thanh hang ha kinh phat vv khong the thuyet phuc duoc moi nguoi lam gi co duoc mot nguoi hoan hao the gioi van minh da dang du co dao ca phe di nua chi la moi goc nho cua vn uoc mo vn van minh giau manh ai la nguoi vn nao khong muon khi nguoi vn moi nguoi la mot lanh tu con lau lam lau lam khong chung may ngan nam nua vn minh moi duoc buon thay tu cao qua dang thuong thay

Đước Tạ
Đước Tạ
1 năm trước
Trả lời  liem nguyen

Đúng là người có ý chí phi thường.

Đinh công Thạnh
Đinh công Thạnh
2 năm trước

Nhận xét về phần riêng tôi , trong câu chuyện này về ông ĐLNV có cái gì nó thiên về tiền áp đảo trong câu chuyện của ông chứ không thoả lòng người nghe. Nếu nhận xét của tôi có gì không phải tôi xin lỗi.

liem nguyen
liem nguyen
2 năm trước
Trả lời  Đinh công Thạnh

ao mong thuong thay

Lanh
Lanh
2 năm trước

Ô ấy Quá giỏi

Lên đầu trang